Tổng quan về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Bộ luật Hình sự hiện hành
Căn cứ tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này,...”.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này,...”.
Dễ dàng nhận thấy được sự thay đổi trong yêu cầu về hậu quả để cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”. Theo đó, cấu thành cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 nặng hơn so với khoản 1 Điều 245 BLHS 1999, bởi lẽ chỉ cần hành vi “gây ảnh hưởng xấu” đã cấu thành tội phạm chứ không nhất thiết phải gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Các yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”
Để có thể định tội và áp dụng biện pháp xử lý thích đáng thì cần phải xem xét rõ ràng các dấu hiệu pháp lý và việc phân tích dấu hiệu pháp lý tội “Gây rối trật tự công cộng” dựa trên các mặt cụ thể như sau:
Xét vào chủ thể của tội phạm: Được thực hiện bởi những người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Xét vào khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm vào những nội quy, quy tắc, điều lệ,... về trật tự ở những nơi công cộng; xâm phạm trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống, ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường tại nơi công cộng.
Xét vào mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý
Xét vào mặt khách quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện ở hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây có thể bao gồm các hành vi coi thường trật tự chung bằng lời nói cử chỉ gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy hành hung người khác (nhưng chưa gây thương tích) những nơi đông người như ở nhà ga, bến xe, rạp hát, công viên, gây lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự chung. Ví dụ: hò hét, đuổi đánh nhau trên đường phổ hoặc lôi kéo, kích động người khác cùng tham gia,...
Chúng ta cần xác định được, đâu được coi là nơi công cộng. Hiện nay, quy định về nơi công cộng được đề cập tại một số văn bản sau đây:
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.
Và tại Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định về địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:
- Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24/02/2020.
- Nhà chờ xe buýt.
- Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.
Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 1 Điều 2 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng bao gồm:
Nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa.
Từ những quy định trên có thể thấy định nghĩa về nơi công cộng là rất rộng, nơi công cộng có thể là công viên, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, xe buýt, nhà khách, nhà hàng, ...
Lưu ý:
Hành vi gây rối trật tự công cộng kèm theo sự đập phá tài sản hoặc có vũ khí thì tùy từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội khác như tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS).
Hành vi hành hung chống lại người duy trì trật tự công cộng, người đang thi hành công vụ thì có thể người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 BLHS về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Hành vi gây rối trật tự công cộng không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác mà chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự chung ở nơi công cộng. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng lại gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng và tội “Gây rối trật tự công cộng” theo nguyên tắc phạm nhiều tội.
Nguồn: sưu tầm