Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
Đây là một trong những tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, thể hiện sự nguy hiểm cho xã hội ở mức độ nhất định. Để định tội chính xác, việc phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng có ý nghĩa quyết định, nhất là trong bối cảnh ranh giới giữa xử phạt hành chính và hình sự còn mờ nhạt trong thực tiễn áp dụng.
Tội danh này phải xâm phạm trật tự công cộng – tức là sự ổn định, an toàn trong sinh hoạt cộng đồng, nơi công cộng hoặc khu vực dân cư (tức là nơi mọi công dân có thể tụ tập, sinh hoạt, tự do ra vào). Trật tự công cộng không chỉ là trật tự vật lý (đường phố, khu dân cư) mà còn là trật tự xã hội – bao gồm cả sự yên bình và cảm giác an toàn của người dân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng thường thể hiện dưới nhiều hình thức: tụ tập đông người, la hét, đập phá tài sản, chặn đường, đua xe trái phép, ném vật thể nguy hiểm nơi công cộng, v.v. Điểm đặc trưng là gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, gây cản trở giao thông hoặc sinh hoạt bình thường của người dân, hoặc gây hoang mang trong dư luận. Không cần hậu quả cụ thể xảy ra (như thiệt hại về người hoặc tài sản), chỉ cần có ảnh hưởng rõ rệt đến cộng đồng là đủ yếu tố cấu thành. Đây là điểm đặc trưng so với nhiều tội danh khác trong BLHS.
Tội phạm được thực hiện lỗi cố ý và phải mang tính ồn ào, náo loạn, quấy nhiễu, gây mất ổn định về ANTT. Tội phạm này thường xảy ra ở nơi công cộng, khu dân cư, công khai, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người. Ngược lại, nếu trong không gian riêng biệt, âm thầm, kín đáo, không công khai, mà mới chỉ dừng lại ở sự hoang mang, lo lắng cá nhân thì chưa thể gọi là ảnh hưởng đến ANTT được, do đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng.