| TS. Nguyễn Thanh Mai - Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự Học viện tư pháp |
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là một trong những tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại các Điều 192, 193 và 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015. Đây là nhóm tội có cấu thành vật chất, đòi hỏi hành vi khách quan cụ thể gây nguy hiểm cho xã hội. Về bản chất, hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện thông qua hai dạng chính: sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.
Hành vi sản xuất hàng giả: được hiểu là việc chế tạo, gia công, lắp ráp, pha trộn, chế biến hoặc bất kỳ hình thức nào tạo ra sản phẩm được xác định là “hàng giả” theo quy định pháp luật. Các dạng phổ biến bao gồm: giả về nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu, giả thành phần công dụng (trong thực phẩm, thuốc, phân bón…), hoặc giả bao bì để đánh lừa người tiêu dùng.
Hành vi buôn bán hàng giả: Buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính. Hành vi này bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, vận chuyển đến nơi tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác nhằm đưa hàng hóa vào lưu thông. Tuy nhiên, buôn bán hàng giả phải được chứng minh bằng chứng cứ rõ ràng, không được suy diễn từ ý định hay giả thiết chưa thành hành động.
Cần nhấn mạnh rằng: luật hình sự là luật điều chỉnh hành vi – hành vi đến đâu, xử lý đến đó; tuyệt đối không được suy luận chủ quan, không hình sự hóa ý nghĩ hoặc giả định. Mọi hành vi bị xử lý hình sự phải được thể hiện qua dấu hiệu khách quan, đo đếm được, tránh tình trạng hình sự hóa một cách cảm tính, áp đặt.
Một vấn đề đặt ra là: người có hành vi vận chuyển hàng giả đến kho cất trữ, hoặc tàng trữ số lượng lớn hàng giả nhưng chưa có hoạt động tiêu thụ cụ thể thì có phạm tội không? Thực tiễn hiện nay cho thấy, nếu không chứng minh được ý chí tiêu thụ thông qua hành vi cụ thể, thì không thể xử lý họ về tội buôn bán hàng giả, vì thiếu yếu tố cấu thành hành vi khách quan. Trong khi đó, BLHS lại không quy định tội danh độc lập cho hành vi “tàng trữ”, “vận chuyển” hàng giả, mà chỉ có thể truy cứu nếu người này là đồng phạm giúp sức trong việc sản xuất hoặc buôn bán – điều này đòi hỏi chứng minh ý thức đồng phạm rất phức tạp.
Đây chính là một “vùng trống pháp lý” đáng lưu ý. Trong khi ma túy, vũ khí, pháo, tài liệu cấm… đều có tội danh xử lý về hành vi “tàng trữ”; “vận chuyển” độc lập, thì với hàng giả – đặc biệt là hàng giả trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, hóa chất – lại chưa được quy định đầy đủ. Điều này dẫn tới bỏ lọt nhiều mắt xích trong chuỗi tội phạm, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế.
Từ thực trạng đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải hoàn thiện pháp luật hình sự theo hướng bổ sung quy định về tội “tàng trữ”, “vận chuyển” hàng giả với mục đích tiêu thụ, tương tự như các quy định đối với hàng cấm. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả răn đe mà còn đảm bảo công bằng pháp lý, tránh hình sự hóa tùy tiện, đồng thời khắc phục “khoảng trống” khó giải quyết các vụ án hình sự trên thực tiễn./.